Mấy ngày trước tôi đọc được câu chuyện vui. Có hai người cãi nhau, một người nói 3x8=24, người kia nói 3x8=21. Tranh luận không ngã ngũ, hai người mang đến quan tòa để xét xử. Vị quan nghe xong ra lệnh lôi người nói 3x8=24 ra đánh 20 roi. Người này bất bình: "Tôi đâu có sai, tại sao đánh tôi". Vị quan tòa nghiêm mặt: "Anh có thể phí thời gian cãi nhau với một người nói 3x8=21, không đánh anh thì đánh ai?".
Thực tế, nhiều khi chúng ta cũng giống như "người bị đánh" trong câu chuyện trên, luôn quen cạnh tranh với người xấu và vướng vào những điều không hay. Chúng ta thường nói con người ta phải trưởng thành và vững vàng. Vậy bài học cuộc sống ở đây là gì?
Tôi nghĩ việc không quan tâm tới người xấu, không vướng vào những chuyện không hay thì đó cũng là một kiểu trưởng thành. Yêu cầu này có vẻ không quá khó nhưng với nhiều người lại là không thể.
Cạnh tranh với người xấu, bạn sẽ luôn chịu thiệt thòi
Gần đây tôi đến bệnh viện thăm người bạn cũ là Lão Trần. Hai tuần trước anh và bạn đi ăn tối, bàn bên cạnh họ uống rượu rồi nhảy múa, làm đổ rượu sang áo của Lão Trần. Người bạn của tôi mắng họ, nói rằng đây là nơi công cộng, không thể náo loạn như vậy. Hậu quả là hai bên xảy ra xô xát và Lão Trần bị đâm chai thủy tinh vào cổ. May mắn vết thương không quá sâu nhưng phải nằm viện cả tháng. Vì chuyện này mà bạn tôi cũng mất luôn hai hợp đồng chuẩn bị được ký kết, đám cưới cũng phải hoãn lại. Đây là cái giá của sự non nớt và là hậu quả của việc tranh cãi với người xấu.
Trong cuộc sống, có những người mà bạn không thể nói chuyện phải trái được với họ, bởi họ sống không có quy tắc và làm những gì bản thân thích không cần lý do. Điều này không có nghĩa là bạn phải cúi đầu trước kẻ xấu mà nên kiềm chế cảm xúc của mình, giải quyết vấn đề một cách hợp lý và đừng phóng đại tổn thất của bản thân lên. Người trưởng thành nên nhìn thấy hậu quả chứ không phải thành công hay thất bại nhất thời.
Một người bạn của tôi than rằng hay bị đồng nghiệp chơi xấu nên cảm thấy đi làm rất áp lực. Tôi nói với người này rằng, vì bạn giỏi hơn nên anh ta cảm thấy bị đe dọa. Việc cần làm bây giờ là phải tiếp tục củng cố bản thân, cẩn thận hơn với các chiêu đánh lén nhưng cũng đừng tính toán gì với người đồng nghiệp đó.
Cạnh tranh với người xấu thường có hai kết quả. Một là bạn sẽ chiến thắng nhưng phải dành rất nhiều thời gian, sức lực, trí óc... Thứ hai là thua, chuốc lấy sự ấm ức, thậm chí tủi nhục. Nhưng thực tế, dù kết quả nào thì bạn cũng là người thua cuộc.
Vướng vào rắc rối sẽ chỉ làm mọi việc rối tung lên
Có lẽ nhiều người đã nghe câu chuyện này. Một người đàn ông đặt chiếc đồng hồ cao cấp của mình lên trên máy giặt. Người vợ nhìn thấy lo rằng chiếc đồng hồ sẽ bị ướt nên bảo chồng đặt nó lên bàn ăn. Hậu quả là khi cậu con trai lấy bánh mì trên bàn ăn, không may chiếc đồng hồ rơi xuống đất vỡ vụn. Người đàn ông tiếc của nên ra sức đánh con trai, đồng thời mắng nhiếc vợ mình. Hai vợ chồng cãi nhau to và người đàn ông tức tối chạy ra ngoài. Đang vội bước đi, anh ta phát hiện mình quên cặp sách ở nhà, đành quay về lấy. Do vợ đi làm khóa cửa nên anh gọi cho vợ phàn nàn. Trên đường về, người vợ cũng do tức giận đã xô đổ một sạp trái cây, mất một khoản tiền đền bù. Khi người đàn ông lấy được cặp và chạy đến công ty thì đã muộn 15 phút. Vì tâm trạng không tốt nên anh ta cãi nhau với đồng nghiệp bởi một sự việc không đáng có. Cậu con trai hôm đó cũng tham gia một trận đấu bóng chày, vì sáng bị bố đánh nên tâm trạng không tốt và sớm bị loại.
Đây chính là "Định luật Festinger" nổi tiếng. Theo định luật này thì 10% của cuộc sống được hình thành từ những việc xảy ra với bạn, và 90% của cuộc sống được quyết định bởi thái độ, phản ứng của bạn đối với những việc xảy ra với mình.
Trong câu chuyện được lấy làm ví dụ này, chiếc đồng hồ bị vỡ là 10% chúng ta không thể kiểm soát trong cuộc sống, còn một loạt những việc xảy ra sau đó chính 90% còn lại. Chính là bởi vì mọi người trong câu chuyện đều không kiểm soát được 90% đó, mới dẫn tới việc biến ngày hôm đó trở thành "ngày rắc rối".
Hãy thử nghĩ, sau khi 10% kia xảy ra, giả sử Festinger không làm như những gì mình đã làm, đổi một thái độ khác. Ví dụ, anh tới an ủi con trai: "Đừng quá lo lắng con trai, đồng hồ vỡ rồi cũng không sao, bố mang đi sửa là được". Nếu làm như vậy con trai sẽ vui vẻ, vợ cũng thoải mái, chính bản thân anh ấy cũng không phiền muộn, vậy thì tất cả những vấn đề sau đó sẽ không xảy ra rồi. Có thể thấy, bạn không thể khống chế được 10% trước đó, nhưng hoàn toàn có thể dùng thái độ và hành vi của mình để quyết định 90% sự việc phía sau.
Nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng người Mỹ Festinger. Ảnh: menback.com |
Trên thực tế, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh thường phụ thuộc vào thái độ mà bạn đối mặt với con người và sự việc gặp phải. Cùng một sự việc, cách xử lý khác nhau sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Không tiếp tục tranh luận với những người vô lý rằng 3x8 thay vì 24 mà là 21, nên chọn cách mỉm cười lướt qua và tập trung làm những việc nghiêm túc hơn.
Hãy là một người trưởng thành, vì nó liên quan đến chất lượng sống của bạn. Cuộc đời rất ngắn ngủi, vì vậy chúng ta nên sống với tâm lý "Chỉ cùng người giỏi tranh cao thấp, không cùng thằng ngu bàn sự đời". Bạn sẽ chẳng thể thay đổi kết quả của những điều xấu, chứ đừng nói đến tính cách của những người xấu. Vì vậy hãy thay đổi tâm lý của chính mình.
Vy Trang (Theo aboluowang) và Nguồn VnExpress